Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ than phiền về sự vô tâm thụ hưởng một cách rất ích kỷ của con cái, bởi không ít bạn trẻ "quên" nói từ "cảm ơn". Nhiều nhà nghiên cứu đã bày tỏ về sự cần thiết phải áp dụng phương pháp giáo dục lòng biết ơn ngay từ khi còn nhỏ.
Theo kết quả nghiên cứu mới đây, khi được hỏi về cách thể hiện lòng biết ơn cha mẹ và những người xung quanh, hơn 70% câu trả lời của các em tập trung vào các khía cạnh: chỉ cần nói cảm ơn, ngoan ngoãn, vâng lời, hay học giỏi. Tỷ lệ các em biết làm các công việc vừa sức để giúp đỡ hay tặng cha mẹ những món quà do mình tự thực hiện chỉ chiếm dưới 40%. 35% các em còn mắc cỡ, rụt rè khi nói lời cảm ơn hoặc bày tỏ lòng biết ơn. Bên cạnh đó, các em cũng thể hiện mong muốn được bày tỏ lòng biết ơn của mình: 99% các em sẽ làm những việc vừa sức và có ý nghĩa khi có cơ hội. 94% các em sẽ tham gia các chương trình ý nghĩa nếu có để thể hiện lòng biết ơn với cha mẹ và những người xung quanh. Tuy nhiên, phần lớn các em lại thiếu sự hướng dẫn và cơ hội thực hành cũng như sự tự giác thực hiện những hành động phù hợp để bày tỏ lòng biết ơn.
Chính cách giáo dục con cái trong gia đình hiện nay làm cho trẻ chỉ biết hưởng thụ, trẻ chỉ yêu cầu "quyền" của bản thân mà không biết "bổn phận" của mình. Nhiều đứa trẻ ở nhà không đụng tay vào việc gì, phó mặc hết cho ông bà, bố mẹ, ra đường thấy người cần giúp đỡ cũng mặc. Trong khi đó, việc rèn nhân cách cho trẻ của nhà trường thông qua sách giáo khoa, chương trình giáo dục chưa mang lại nhiều kết quả.
GS Nguyễn Lân Dũng kể, ông được tham gia buổi học "Biết ơn" của một trường tiểu học nước ngoài. Tại đây, hằng tuần vào ngày thứ sáu đều có một buổi chơi trò chơi: Nói về bất cứ điều gì các em cảm thấy biết ơn trong tuần qua và suy nghĩ cách để cảm ơn bằng hành động. Cả lớp rộn ràng, ồn ào, sôi nổi kể: "Em biết ơn bạn A đã cho em mượn cây bút chì hôm thứ hai, khi em để quên", "Em biết ơn cô đã cho em điểm cao", "Em biết ơn cô lao công đã quét lớp sạch sẽ"... Hàng loạt lời cảm ơn và cũng từ đó, hàng loạt ý tưởng bày tỏ lòng biết ơn ngộ nghĩnh ra đời như: "Em sẽ tặng cô lao công cái kẹo của em", "Em sẽ mang vào lớp một chậu hoa để cô giáo được vui"... Thật sự, một đứa trẻ có thể quên đi nhiều kiến thức, nhưng khi bước vào đời, chúng sẽ không bao giờ quên được những giờ học "Biết ơn" sôi nổi như thế, để rồi trở thành một người biết nghĩ đến mọi người.
Và tấm gương từ cha mẹDạy trẻ lòng biết ơn không phải qua những bài lý thuyết sáo rỗng, nên bắt đầu từ những sự việc cụ thể, gần gũi với trẻ. Điều quan trọng, là người lớn phải tạo cơ hội cho các em thực hiện bằng những hành động cụ thể và hàm chứa lòng biết ơn thực sự xuất phát từ tâm. Không nên chỉ dạy trẻ thể hiện lòng biết ơn ở hình thức mà phải giúp trẻ hiểu lý do gì mà mình phải biết ơn.
Các bậc cha mẹ vẫn luôn dạy con nói lời "cảm ơn" khi người khác giúp đỡ hay "xin lỗi" khi làm sai. Cụ thể hơn là hướng dẫn, khuyến khích trẻ tự tay làm những tấm thiệp, món quà nhỏ để tặng người thân, thầy cô, bạn bè vào các dịp lễ, sinh nhật... Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, người lớn cũng nên thể hiện lòng biết ơn đối với trẻ khi con mang lại niềm vui hay giúp đỡ việc vặt. Mặc dù có những lúc trẻ chưa ý thức về việc tốt đã làm, nhưng lại học được rất nhiều điều từ cha mẹ. Vì thế nếu bạn thể hiện lòng biết ơn trẻ sẽ nhanh chóng tiếp thu, học hỏi điều này. Từ những bài học nhỏ ấy trong gia đình, trẻ sẽ lớn dần lên cùng với các mối quan hệ ngoài xã hội và bài học biết ơn không thể mất đi.
Thank you Ms Nga!
Trả lờiXóa